Hạ viện Mỹ hồi tháng 1 đã phải trải qua 15 vòng bỏ phiếu hỗn loạn mới có thể bầu được ứng viên đảng Cộng hòa Kevin McCarthy làm chủ tịch,ómnghịsĩCộnghòakhiếnôngMcCarthymấtghếvẽ tranh dù đảng Cộng hòa đang nắm thế đa số ở cơ quan này.
Trở ngại lớn nhất với ông McCarthy khi đó là sự phản đối từ nhóm nghị sĩ cực hữu theo đường lối cứng rắn, trong đó nổi bật là Matt Gaetz, đại diện của bang Florida. "Có lẽ người phù hợp cho vị trí chủ tịch Hạ viện không phải là người đã bán mình trong hơn một thập kỷ để có được nó", Gaetz từng công kích thẳng thừng McCarthy trong các vòng bầu cử.
Chỉ đến khi McCarthy chấp nhận loạt nhượng bộ với Gaetz và các nghị sĩ cực hữu khác, trong đó có Eli Crane, Andy Biggs, Matt Rosendale và Bob Good, ông mới được bầu làm Chủ tịch Hạ viện vào ngày 7/1.
Chưa đầy 9 tháng sau, những cái tên này lại gây chú ý trong một cuộc bỏ phiếu khác, lần này là để lật đổ McCarthy. 4 nghị sĩ Cộng hòa trên, cùng ba đồng nghiệp có chung quan điểm cực hữu là Ken Buck, Tim Burchett và Nancy Mace, đã ủng hộ kiến nghị do Gaetz đưa ra nhằm phế truất người đã được họ bầu lên.
"Washington phải thay đổi. Chúng ta phải đưa Hạ viện theo hướng tốt hơn. Ông McCarthy đã không thể đưa ra lập trường trong những vấn đề quan trọng. Do đó, nếu ông ấy không làm, tôi sẽ làm", nghị sĩ Gaetz phát biểu tại Hạ viện ngày 3/10, trước khi cơ quan này bỏ phiếu về đề xuất bãi nhiệm McCarthy.
Nhóm 8 nghị sĩ Cộng hòa cho biết lý do khiến họ phải hành động là vì nợ công quốc gia hoặc ông McCarthy không giữ lời hứa.
Đề xuất bãi nhiệm ông McCarthy được Gaetz đệ trình ngày 2/10, không lâu sau khi Hạ viện thông qua dự luật cấp ngân sách cho chính phủ Mỹ hoạt động thêm 45 ngày. Gaetz cùng 7 thành viên Cộng hòa cực hữu phẫn nộ do dự luật không có những điều khoản mà họ yêu cầu, như cắt giảm chi tiêu mạnh tay.
Do đảng Dân chủ đang nắm 212 ghế tại Hạ viện đã tuyên bố sẽ ủng hộ nỗ lực lật đổ McCarthy, chỉ cần 5 nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu thuận là kiến nghị của Gaetz được thông qua. Bởi vậy, lá phiếu của 8 nghị sĩ Cộng hòa cực hữu là đòn giáng quyết định khiến ông McCarthy mất ghế.
Nghị sĩ Biggs cho rằng ông McCarthy không còn là lãnh đạo phù hợp của phe Cộng hòa tại Hạ viện. Việc thông qua dự luật cấp ngân sách cho chính phủ khiến ông McCarthy góp phần vào những thất bại liên quan nợ quốc gia và chính sách nhập cư.
"Nếu không dùng vấn đề ngân sách và chi tiêu làm đòn bẩy, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ không thực thi các chính sách về nhập cư", Biggs nói ngày 3/10. "McCarthy đã làm ngược lại nhiều cam kết đưa ra hồi tháng 1 và không còn là lãnh đạo đáng tin".
Nghị sĩ Buck cùng quan điểm, nói ông ủng hộ McCarthy làm chủ tịch Hạ viện hồi tháng 1 vì tin rằng các cam kết sẽ được thực hiện. "Rõ ràng, chúng ta cần một chủ tịch có nguyên tắc, có thể giữ lời không chỉ với các nghị sĩ mà còn với người dân Mỹ".
Trả lời CNN ngày 3/10, nghị sĩ Burchett tiết lộ đã được ông McCarthy gặp riêng, kêu gọi phản đối đề xuất bãi nhiệm. Ông McCarthy "tỏ thái độ coi thường tôi và niềm tin của tôi", nghị sĩ bang Tennessee kể lại, giải thích lý do bỏ phiếu ủng hộ lật đổ Chủ tịch Hạ viện.
Theo Burchett, trước khi Hạ viện bỏ phiếu, ông McCarthy cũng đã thất hứa với ông trong vấn đề ngân sách. Đây cũng là lý do khiến các nghị sĩ Crane, Good, Mace và Rosendale không còn ủng hộ ông McCarthy.
Phát biểu tại cuộc họp báo tối 3/10, ông McCarthy chỉ trích 8 nghị sĩ Cộng hòa đã bỏ phiếu bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện là những người "không xứng với danh xưng bảo thủ". "Tôi từng giúp nhiều người trong số họ đắc cử. Tôi lẽ ra nên chọn người khác", ông McCarthy trả lời khi được hỏi về những gì ông có thể "làm khác đi".
Sau khi McCarthy mất chức, Hạ viện Mỹ đã chỉ định nghị sĩ Cộng hòa Patrick McHenry làm lãnh đạo tạm thời. Cơ quan này dự kiến duy trì tình trạng hiện tại trong ít nhất một tuần trước khi bầu lãnh đạo mới.
"Cuộc đấu tranh chưa kết thúc. Giờ đây, chúng ta cần phải bầu chủ tịch Hạ viện", ông Gaetz tuyên bố. Các nghị sĩ Cộng hòa nói họ định họp vào ngày 10/10 để tìm người kế nhiệm ông McCarthy và quá trình bầu cử có thể diễn ra ngày 11/10.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hạ viện Mỹ ủng hộ một nghị quyết bãi nhiệm chủ tịch cơ quan này. Với 269 ngày nắm quyền, ông McCarthy là chủ tịch Hạ viện có thời gian đương nhiệm ngắn nhất trong hơn 140 năm qua và ngắn thứ ba trong lịch sử Mỹ.
Hai chủ tịch Hạ viện có nhiệm kỳ ngắn nhất lịch sử Mỹ là Michael Kerr và Theodore Pomeroy. Ông Kerr qua đời năm 1876, khi đương nhiệm 257 ngày, còn ông Pomeroy chỉ giữ ghế chủ tịch Hạ viện trong ngày cuối của quốc hội Mỹ khóa 40 năm 1869.
Như Tâm (Theo The Hill, CNN)